Bugatti Chiron: Chuyện chưa kể
Động cơ W16 dung tích 8.0L đi cùng 4 bộ tăng áp, cho công suất 1.500 mã lực là điểm thu hút nhất của Chiron, nhưng các tín đồ xe hơi thực thụ cần tìm hiểu nhiều hơn thế. Và 11 “lát cắt” thông tin thú vị dưới đây là những gì họ cần.
Bugatti Chiron được kỳ vọng sẽ lập kỷ lục tốc độ của xe dân dụng, nhưng điều thú vị quanh siêu xe triệu đô này không chỉ có vậy…
Chiron là mẫu xe kế nhiệm Veyron – huyền thoại giúp Bugatti bước vào một kỷ nguyên mới và định nghĩa lại một số khái niệm trong ngành công nghiệp ô tô.
Động cơ W16 dung tích 8.0L đi cùng 4 bộ tăng áp, cho công suất 1.500 mã lực là điểm thu hút nhất của Chiron, nhưng các tín đồ xe hơi thực thụ cần tìm hiểu nhiều hơn thế. Và 11 “lát cắt” thông tin thú vị dưới đây là những gì họ cần.
4 bộ tăng áp
Một trong những thành tố quan trọng làm nên thông số vận hành “khủng” của Bugatti Chiron chính là hệ thống tăng áp. Có tới 4 bộ tăng áp hỗ trợ cho động cơ W16 8.0L, số lượng cũng như Veyron, nhưng chúng lớn hơn 69%. Các bộ nén lớn hơn thì độ ì cũng lớn hơn, và như vậy tức là độ trễ tăng lên. Để giải quyết vấn đề này, Bugatti phát triển hệ thống tăng áp hai pha: hai bộ tăng áp đầu tiên hoạt động ở tốc độ động cơ 1.900 vòng/phút và sau đó khí xả được đẩy thẳng vào một lá kích hoạt hai bộ tăng áp còn lại ở tốc độ động cơ 3.800 vòng/phút; và lúc này cả 4 bộ tăng áp cùng hoạt động. Đó là cách động cơ có mô-men xoắn 1.180 lb-ft.
Khí động học chủ động: Cánh gió sau
Đặt mục tiêu lập kỷ lục tốc độ mới, nên khi phát triển Chiron, hãng Bugatti tính toán rất kỹ lưỡng về tính khí động học. Trong đó, đáng chú ý nhất là việc sử dụng cánh gió sau hoàn toàn chủ động. Cánh gió này nhẹ và có mức hạ thấp hơn loại dùng cho xe Veyron. Đặc biệt, nó có thể dịch chuyển 4 vị trí, tuỳ yêu cầu thực tế.
Ngoài chế độ thu lại hoàn toàn, cánh gió có thể mở nhẹ khi ở chế độ Tốc độ tối đa (Top Speed) hoặc mở hết cỡ ở các chế độ Handling hoặc Autobahn. Ở từng chế độ, cánh gió có thể ngả trước sau nhiều góc khác nhau để đạt hiệu quả khí động học tối ưu. Khi ngả về phía trước, cánh gió sau có thể đóng vai trò như hãm không khí, giúp xe giảm tốc.
Khí động học thụ động
Ngoài cánh gió, Chiron còn được giới thiệu với một hệ thống kiểm soát không khí tiên tiến và phức tạp. Toàn bộ phần mũi xe được thiết kế với sự lưu tâm đến luồng khí, đặc biệt là ở những khu vực áp lực cao như lưới tản nhiệt và rèm khí ở bánh xe. Vùng lực cản gió cao quanh bánh xe được kiểm soát xuống mức tối thiểu. Ba hốc gió ở mỗi bên xe được dùng để làm mát hệ thống phanh.
Một số tính năng rất quan trọng và được thiết kế kỹ lưỡng lại nằm ở bên trong, như phần bên dưới thân xe phẳng, giúp tạo luồng không khí tốt hơn. Ngoài ra, bộ khuếch tán gió sau cùng với cánh gió trước cải tiến giúp tăng lực ép mũi xe mà không tăng lực cản. Để làm mát động cơ, xe cần tới 60.000 lít không khí mỗi phút, tương dương với lượng không khí một người hít thở trong 5 ngày.
Vật liệu sợi carbon
Với ưu điểm cứng và trọng lượng khá nhẹ, vật liệu sợi carbon được coi là lựa chọn lý tưởng cho những siêu xe như Bugatti Chiron, nhưng chi phí sản xuất cũng cao.
Chiron có thân xe liền khối bằng vật liệu sợi carbon, với độ chống vặn xoắn lên tới 50.000 Nm/độ. Đó là độ cứng tương đương một chiếc xe LMP1, hay bằng khoảng 3 lần so với kết cấu thép truyền thống.
Tốc độ
Nói tới Chiron, không thể bỏ qua tốc độ. Trong khi các siêu phẩm tốc độ khác như Ferrari LaFerrari, Porsche 918 Spyder và McLaren P1 có sự chuyển hướng sang công nghệ hybrid sạc điện, thì Bugatti vẫn chọn động cơ đốt trong truyền thống. Với giới hạn điện tử, tốc độ tối đa của Chiron đạt 420 km/h; còn nếu bỏ giới hạn, tốc độ có thể lên tới 460 km/h.
Quyền chọn khách hàng
Với một sản phẩm đặc biệt như Chiron, Bugatti không có ý định ai muốn mua cũng bán. Trước mắt, hãng chỉ bán cho những tín đồ xe hơi thực thụ, với trung bình 42 chiếc xe trong gara.
Với những khách hàng như vậy, mức tiêu thụ nhiên liệu của xe không phải là vấn đề lớn. Theo thống kê, trung bình mỗi năm chủ xe Bugatti chỉ cho xe chạy khoảng 2.500 km. Sau một thập kỷ có mặt trên thị trường, chiếc Veyron được sử dụng nhiều nhất thế giới cũng mới chỉ chạy khoảng 40.000 km. Trong khi đó, Bugatti đã chạy thử xe 90.000 km.
Những rào cản
Dù Bugatti Chiron là một siêu phẩm cả về thiết kế lẫn tính năng vận hành, nhưng như thế không có nghĩa là Bugatti đã vượt qua được mọi giới hạn.
“Ban đầu, chúng tôi muốn làm tay nắm cửa “tàng hình” và gương chiếu hậu kỹ thuật số cho Chiron, nhưng rồi cuối cùng không làm được, do vướng các quy định và yếu tố khách quan,” Giám đốc thiết kế Achim Anscheidt cho biết. “Chúng tôi nhận ra rằng khi trời mưa, gương điện tử không đáp ứng được yêu cầu của Bugatti. Bên cạnh đó là những quy định pháp lý”.
Không chỉ là đèn LED
Một trong những đặc điểm phong cách nổi bật mang tính nhận diện của Bugatti Chiron là thiết kế cụm đèn 8 mắt – “Eight-Eye”. “Chúng tôi đã chọn kiểu thiết kế này ngay từ đầu,” bà Sasha Sepilov, thiết kế trưởng phần ngoại thất cho xe Chiron cho biết. “Đó là vào năm 2011 hay 2012 gì đó, chúng tôi đã nghĩ tới việc nó sẽ góp phần tạo phong cách lôi cuốn.”
4 đèn LED rời mỗi bên tạo cảm giác mũi xe kéo dài sang hai bên, tạo cảm giác Chiron bề thế hơn nhiều so với Veyron, dù thực tế là chiều rộng chỉ nhỉnh hơn vài milimet.
Cụm đèn hậu cũng được hãng chú trọng về thiết kế. Bugatti cho biết đó là dải đèn LED đơn dài nhất từ trước tới nay được sử dụng trong ngành ô tô – dài 1,6m, bao gồm 82 bóng LED.
Hệ thống chạy thử phức tạp
Với công suất và mô-men xoắn khủng của Chiron, thiết bị chạy thử ở Molsheim, Pháp đã được làm lại. “Chúng tôi làm nó cho Veyron, nhưng mô-men xoắn của Chiron quá lớn nên phải làm lại hệ thống máy chạy thử,” Christophe Piochon, Giám đốc sản xuất và hàng vận của Bugatti cho biết.
Ngoài gần 60 km đường chạy thử bằng máy, mỗi chiếc Chiron còn được chạy thêm 350 km đường thực tế, trong đó có cả các đường núi trong khu vực. Việc thử nghiệm tăng tốc và phanh được tiến hành trên đường cao tốc gần sân bay Colmar.
Bugatti có tới 30 chiếc xe chạy thử hiện vẫn đang được sử dụng; đó là những chiếc xe bị bắt gặp chạy thử ở nhiều nơi, và cũng được dùng phục vụ hoạt động marketing. Chúng đã chạy tổng cộng gần 400.000 km và dùng tới 1.000 bộ lốp.
Vành và lốp
Giống như với Veyron, Bugatti chọn Michelin làm nhà cung cấp lốp cho Chiron, với sản phẩm là loại 285/30 R20 cho bánh trước và 355/25 R21 cho bánh sau.
Bugatti chọn vành cỡ 20″ cho bánh trước và 21″ phía sau vì như vậy sẽ cho tỷ lệ phân bổ và sự năng động tối ưu cho xe. Lốp xe lớn hơn không chỉ giúp xe trông bề thế, thể thao hơn, mà còn cho phép sử dụng bộ phanh lớn hơn. Bộ kẹp phanh cỡ lớn của Chiron có tới 8 piston phía trước và 6 piston phía sau.
Một lý do khác khiến Bugatti phải chọn bánh trước nhỏ hơn sau một inch là theo quy định, tài xế phải nhìn được một góc nghiêng 4 độ phía trước.
Leave a Reply