Những điều cân lưu ý khi mua bảo hiểm ô tô ở Việt Nam
Chọn gói bảo hiểm nào, công ty bảo hiểm nào uy tín… là những câu hỏi khiến nhiều chủ xe phải đau đầu sau khi mua xe hơi.
Đừng để đến khi xe gặp nạn mới mua bảo hiểm
Tại Việt Nam hiện nay có 4 hình thức bảo hiểm phổ biến gồm: Bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới đối với người thứ ba; Bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe đối với hàng hóa vận chuyển trên xe; Bảo hiểm thiệt hại vật chất xe cơ giới; Bảo hiểm người ngồi trên xe và tai nạn lái phụ xe.
Trong đó, bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới đối với người thứ ba là loại hình bảo hiểm bắt buộc đối với tất cả các cá nhân, tổ chức sở hữu xe hơi tại Việt Nam, nhằm đảm bảo quyền lợi cho bên thứ ba nếu chẳng may chủ xe, lái xe gây tai nạn cho họ. 3 loại hình bảo hiểm còn lại do khách hàng tự nguyện đăng ký theo thỏa thuận với các công ty bảo hiểm. Loại hình bảo hiểm vật chất (thân vỏ) xe được chủ xe sử dụng khá phổ biến. Khi có tai nạn bất ngờ, ngoài sự kiểm soát của chủ xe, lái xe công ty bảo hiểm sẽ bồi thường thiệt hại vật chất của xe.
Về cơ bản, bảo hiểm ô tô của các hãng bảo hiểm có hình thức và điều khoản tương đối giống nhau, dựa trên Quyết định số 23/2007/QĐ – TC do Bộ Tài chính ban hành. Theo thống kê của các công ty bảo hiểm tại Việt Nam, có đến 70% khách hàng sử dụng ô tô chỉ chọn mua bảo hiểm thân vỏ cho xe.
Trên thực tế, vẫn có nhiều vụ kiện tụng, tranh cãi xảy ra giữa chủ xe và công ty bảo hiểm do người ký hợp đồng bảo hiểm không nắm rõ quy định, quy trình bảo hiểm. Đa số khách hàng thường bỏ qua một bước rất quan trọng trước khi mua bảo hiểm đó là nghiên cứu kỹ các điều kiện trong điều khoản hợp đồng như: quá hạn đăng kiểm, xe sử dụng không đúng mục đích đăng ký, lái xe khi gây tai nạn không có bằng B2 hay mua bảo hiểm thiếu phần cần bảo hiểm…
Do đó, để tránh những kiện tụng không đáng có thì trước khi mua bảo hiểm ô tô, bạn cần nghiên cứu kỹ các hạng mục trong hợp đồng và cân nhắc các tiêu chí về chi phí, chất lượng. Đặc biệt là tham khảo ý kiến của những người đã từng sử dụng bảo hiểm tự nguyện để xem công ty nào cung cấp dịch vụ tốt nhất. Khi xảy ra sự cố, cần nhớ giữ nguyên hiện trường và liên lạc ngay với công ty bảo hiểm để giải quyết.
Các trường hợp thường bị loại trừ bảo hiểm:
– Hành động cố ý gây thiệt hại của chủ xe, lái xe hoặc của người bị thiệt hại.
– Lái xe gây tai nạn, cố ý bỏ chạy không thực hiện trách nhiệm dân sự của chủ xe, lái xe cơ giới.
– Lái xe không có giấy phép lái xe hợp lệ.
– Thiệt hại gây ra hậu quả gián tiếp như: giảm giá trị thương mại, thiệt hại gắn liền với việc sử dụng và khai thác tài sản bị thiệt hại.
– Thiệt hại đối với tài sản bị mất cắp hoặc bị cướp trong tai nạn.
– Chiến tranh, khủng bố, động đất.
– Thiệt hại đối với tài sản đặc biệt bao gồm: vàng, bạc, đá quý, tiền, các loại giấy tờ có giá trị như tiền, đồ cổ, tranh ảnh quý hiếm, thi hài, hài cốt.
Leave a Reply